Yêu lắm cái nghề khó tính

Tôi đang làm một công việc mà quanh năm suốt tháng đều gắn với các con số – nghề Kế toán.

Với bản tính trầm lắng, tất cả người quen của tôi đều nghĩ các công việc như kỹ sư hoặc nghiên cứu sẽ thực sự phù hợp với tôi. Thế nhưng, cái nghề liên quan đến các con số lại đến bằng sự hướng nghiệp của ba mẹ khi lựa chọn ngôi trường kinh tế làm điểm thi cho tôi. Bốn năm được đào tạo chuyên ngành kiểm toán, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và khởi nghiệp bằng việc làm “cu ly” tại các công ty kiểm toán của Việt Nam rồi đến nước ngoài rồi đến gờ lô bồ (global). Nửa năm thực tập thời sinh viên, cộng với 4 năm đi làm, tôi sống trọn vẹn với nghề: ăn với khách hàng, uống với khách hàng, ngủ với đồng nghiệp, nửa đêm tỉnh dậy nghĩ đến deadline. Cứ nghĩ chắc sẽ theo nghề này đến hết đời vì “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Thế nhưng, chỉ vì một lời than thở với cô bạn thân “Mình ngán đi lại lắm rồi, thời gian ở nhà còn ít hơn cả thời gian ở khách hàng”, má mì thì suốt ngày than thở “Nhà này có phải nhà trọ đâu mà tao chẳng nhìn thấy mặt mày mấy là sao???!!!”, cô ấy lôi tuột tôi sang cái nghề này – nghề Kế toán.

Kế toán là một trong những nghề phổ biến nhất, có nhu cầu nhiều nhất trên thị trường lao động thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này không có gì phải bàn cãi bởi bất cứ một doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận kế toán. Đó không chỉ xuất phát từ yêu cầu luật pháp mà còn gắn liền với quyền lợi của các doanh nghiệp. Và kế toán không phải là một nghề bó hẹp mà nó rất đa dạng với nhiều lĩnh vực khác nhau. Xét theo chuyên ngành thì có các lĩnh vực như tài chính, quản lý, kiểm toán và thuế. Xét theo loại hình thì có các lĩnh vực như kế toán công, kế toán hành chính, kế toán doanh nghiệp, kế toán quản trị.

taxes.accounting.business

Nhân lúc rảnh rỗi, tôi dạo quanh một vòng với anh Google để xem dân tình bàn tán với nhau chuyện nghề kế toán như thế nào, cũng thấy lắm ý kiến đồng chiều và trái chiều nhau. Nào là:
Nghề kế toán ở đâu cũng cần, thời nào cũng cần, thậm chí kể từ 6 nghìn năm trước, khi người ta còn chưa biết đến chữ “kế toán”. Nhiều người nói đùa rằng: Do nhu cầu nhiều nên cần thiết thì ai cũng có thể làm kế toán được, làm dở thì cũng ít người biết, làm giỏi thì cũng có mấy ai biết đâu.

Nghề kế toán cũng phải đầu tư học hành đến nơi đến chốn chẳng thua gì kỹ sư, bác sỹ, ấy thế nhưng “hiệu quả đầu tư” thì chẳng hơn, thậm chí là kém hơn các ngành khác.

Nghề kế toán vất vả (khoản này chắc không có đối thủ), nhiều áp lực – có lẽ chỉ sau nghề Sales, nhưng lương bổng thuộc loại bèo bọt nhất. Đành rằng nghề kế toán khá bền (cứ tính 10 người thâm niên nhất trong công ty thì thế nào cũng có tối thiểu 01 kế toán viên trong đó), nhưng bền mấy thì cũng vẫn chỉ là… kế toán. Bằng Kế toán trưởng thì nhiều như sao trên trời nhưng thực tế cứ dính vào chữ “trưởng” ấy là đầy áp lực và bất trắc!

Phụ nữ làm kế toán thường tính toán nhanh như điện xẹt, cân đong đo đếm chi li, lúc nào trong đầu (thậm chí trong tim) cũng có các khái niệm “bút toán kép”, “cân đối tài khoản” và “nguyên tắc thận trọng”. Phụ nữ làm kế toán thường thông minh nhưng hơi khô khan (so với các cô ở những phòng ban khác), có thể hơi thiếu tự tin, hoặc có xu hướng… thích dọa nạt nam giới. Những bà vợ làm kế toán thường xuyên về trễ, đôi khi làm cả thứ bảy chủ nhật, về tới nhà thì ưa tâm sự chuyện cơm áo gạo tiền. Thích quan tâm đến giá vàng, giá đô la, giá cổ phiếu, … ghét bóng đá, không ưa xe cộ máy bay tên lửa nói chung và chuyện chính trị…

Hic, nghe các nhận xét trên mà thấy nản, cái tự tin đang đầy mình bỗng bay đi đâu mất. Thế nhưng, ngồi một lúc trấn tĩnh lại, nghĩ một cách công bằng, mỗi nghề đều có cái khó của nó, làm việc gì cũng phải biết nắm bắt cơ hội và vượt qua khó khăn trước mắt. Hình dung lại mình và những cô nàng, anh chàng kế toán mình đã từng tiếp xúc, từng làm việc cùng, tôi lại ngẫm ra:

Phụ nữ làm kế toán ưa lãng mạn, không khô khan, thừa tự tin và đầy bản lĩnh.Phụ nữ làm kế toán biết ra sân cổ vũ, biết rơi nước mặt và ăn mừng với niềm vui bóng đá, rất quan tâm và thích nghe chuyện chính trị

Phụ nữ làm kế toán bị gọi là thích cân đo đong đếm, nói chuyện cơm áo gạo tiền. Lý do là họ lo cho người khác, họ có đầy tinh thần trách nhiệm với công việc của họ và những người xung quanh.
Nghề kế toán cũng cần sáng tạo lắm chứ, nếu không biết sáng tạo thì chẳng làm việc gì ra hồn, chứ đừng nói làm kế toán. Thế nên, cùng là hạch toán Nợ/Có nhưng có người rất giỏi và logic, có người làm hoài không được đến mức phát chán lên. Sáng tạo nhiều khi thể hiện trong những công việc đơn giản như lưu chứng từ ngăn nắp, dễ tìm, sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên, chiêu thức tìm lỗi nhanh…

Vậy đấy, mỗi ngành nghề đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của mình. Kế toán là ngành thường xuyên làm việc với những con số vì thế nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy khô khan, stress trong công việc, nhưng nó lại là ngành luôn mở rộng tương lai của bạn nếu bạn biết nắm bắt cơ hội kịp thời cũng như phấn đấu không ngừng nghỉ. Với kế toán bạn có thể biết trước tương lai lập nghiệp của mình bởi tính chất công việc của nó rất rõ ràng và thực tiễn. Nếu các lĩnh vực ngành nghề khác đều bị tác động bởi biến động của kinh tế thì kế toán lại luôn ổn định và không bị ràng buộc bởi lẽ bạn có thể thay đổi nơi làm việc bất cứ đâu nếu cảm thấy phù hợp để nâng cao giá trị công việc mình.

Người ta thường nói, nghề kế toán là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Nghiệm từ bản thân mình thì tôi thấy quá đúng, vì từ khi còn là sinh viên, tôi thường mơ mộng những công việc hoành tráng như kiểm toán viên, CFO … chứ nghĩ đến kế toán chỉ là công việc cuối cùng sau những lựa chọn kia thôi. Nhưng lạ một nỗi, một khi đã theo thì tự nhiên thấy yêu cái nghề này vô cùng, rất hay và sáng tạo. Bởi thế, chuyện lựa chọn kế toán là nghề cuối cùng trong thang công việc chỉ còn là quá khứ. Giờ đây tôi yêu nghề kế toán và kính trọng vô cùng những người làm kế toán giỏi và tâm huyết với nghề.

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

0386.599.999

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
Chat Facebook
Gọi điện ngay